Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

BỔN MẠNG CÁC LINH MỤC

Thánh Gioan Maria Vianney
(1786-1859)


Thật ít người có được sự quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan Maria Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học vấn cần thiết.

Sau thời gian nhập ngũ và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở nhà, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng.

Hầu như chẳng giám mục nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ.

Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.

Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng áng.

Sự thay đổi không phải dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.

Công việc giải tội là thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý mến.

Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.

Với thân hình mảnh khảnh nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.

Ngài từ trần ngày 4 tháng Tám 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức của các cha xứ.

Lời Trích
Nhận xét về sự cầu nguyện chung trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy."


Trích từ NguoiTinHuu.com

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Bí ẩn về ngày tận thế 29/7!


Vén màn bí ẩn về ngày tận thế 29/7?

".............Trở lại với lời tiên đoán về ngày tận thế 29/7, End Times đã thay đổi lời tiên tri này cho phù hợp hơn với tư tưởng Ki tô giáo. Theo đó, “Chúa Giê-su sẽ trở lại vào ngày các cực đảo ngược, Trái Đất sẽ hứng chịu trận động đất toàn cầu, mọi thứ đảo ngược, các thành phố chìm trong đống đổ nát và bị hủy diệt hoàn toàn”.
Tuy nhiên, nhiều khả năng tổ chức End Times sẽ phải ôm thất vọng về mình một lần nữa vào ngày 30/7. Bởi lẽ, như khoa học giải thích, các cực sẽ chỉ di chuyển khoảng 176 mét trong ngày 29/7, và sẽ không hề có hiện tượng”các ngôi sao đâm xuống mặt đất” hay “Trái Đất quay cuồng đảo lộn”........................"

Các nhà khoa học có thật sự biết được "ngày tận thế" hay không? , hay chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới là Người nói cho chúng ta biết về "Ngày tận thế". Có 1 sự trùng hợp khi mà tổ chức End Time dự đoán về ngày tận thế đúng vào ngày 29/7 là ngày Mừng Kính Thánh Mác-ta và Tin Mừng hôm nay qua lời của Thánh Nữ, Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết rằng: ngày tận thế chính là ngày kẻ chết sống lại, lúc đó Con Người sẽ đến trong Vinh Quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

THỨ SÁU 29/07/16 - TUẦN 17 TN Ga 11,19-27
Thánh Mác-ta

TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH
"Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".


Suy niệm: Ngôi mộ còn tươi màu đất mới, những người thân còn chưa hết đau xót bàng hoàng vì sự ra đi của người em thân yêu, những tiếng khóc còn chưa dứt, những giọt lệ vẫn chưa khô, và chính Đức Giê-su cũng phải xúc động đến rơi lệ, chính khi ấy, Chúa Giê-su lại đặt vấn đề nhạy cảm này với Mác-ta: “Chị có tin như thế không?” Tin gì? Tin rằng “ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết”. Thế mà em mình đã chết, đã chôn rồi đây! Tin thế nào bây giờ!!! Lòng mến yêu kính phục dành cho Thầy Giê-su khiến cô Mác-ta sẵn sàng thưa: “Thưa Thầy có. Con vẫn tin.” Thế nhưng cô vẫn không thể tưởng tượng được Đức Giê-su lại truyền lệnh cất phiến đá đậy ngôi mộ để gọi La-da-rô người đã chết chôn bốn ngày sống dậy từ trong mộ bước ra. Thêm một lần nữa Đức Ki-tô rao giảng mầu nhiệm phục sinh, mầu nhiệm trung tâm điểm của đời sống ki-tô giáo. Quả thật, đúng như thánh Phao-lô nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).

Còn Bạn: Đức Giê-su vẫn không ngừng hỏi bạn: “Bạn có tin như thế không?” Bạn trả lời thế nào với Ngài đây? Hành vi nào của bạn có thể làm chứng rằng bạn tin vào Đấng Phục Sinh, rằng bạn sẽ được sống lại với Ngài? Mời bạn chia sẻ về kinh nghiệm sống đó.

Sống Lời Chúa: Tìm cách thích hợp để làm chứng niềm tin phục sinh mỗi khi bạn tham dự một đám tang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng phải đến trong thế gian.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

THIỆN NGUYỆN


Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.

Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người anh em.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ

Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.

Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.

Trích sách Lẽ Sống

Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc... Vậy nên hãy làm cho người khác những gì ta có thể làm được như lời Chúa dạy trong bài Tin mừng:
(5.12.2015 – Thứ bảy Tuần 1 Mùa Vọng)
Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Ðức Giêsu bôn ba khắp nơi từ thành thị đến thôn quê, để dạy dỗ, hướng dẫn và đem bình an, lành mạnh cho thân xác lẫn tâm hồn con người. Ðể tình yêu của Chúa được tiếp tục trải rộng, trải dài tới mọi nơi, mọi thời. Ðức Giêsu ban quyền cho các môn đệ của Ngài để phúc lành của Chúa cũng có thể đến với mọi người.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm nhận được tình Chúa quá yêu thương chúng con, lo lắng chăm sóc cho chúng con về mọi phương diện. Ðiều Chúa ước mong là tình yêu thương phải được lan tràn trong thế giới này. Chính vì thế Chúa đã sống hết tình, hết mình với con người và truyền dạy các môn đệ cũng phải đi theo tinh thần xả kỷ như Chúa: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy".
Xin cho chúng con cũng biết sống hết tình với anh chị em chúng con, những người chúng con có dịp gặp gỡ. Ðể nhờ đó nước tình yêu của Chúa luôn được xây dựng và trải rộng khắp nơi. Amen.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

CON LỪA HỮU ÍCH


Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị gióa sư đã đập bàn quát lớn: "Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?".

Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?".

Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương tình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm. Mỗi người chúng ta đều là một khí cụ trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Người, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình. Cũng như trong bài Tin Mừng hôm nay có những kẻ biến nhà cầu nguyện thành sào huyệt,thì cũng có những người chăm chú lắng nghe lời Chúa


(20.11.2015 – Thứ sáu Tuần 33 Thường niên)
Lc 19, 45-48



Khi ấy, Ðức Giêsu vào Ðền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Ðã có lời chép rằng: “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” Hằng ngày, Người giảng dạy trong Ðền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.


Suy niệm: Nhiều người xưa nay vẫn nghĩ rằng họ có thể mua chuộc Thiên Chúa bằng những lễ vật, họ xin lễ, dâng cúng để xin ơn này ơn khác, tệ hơn nữa; có những người không ngần ngại dùng tiền bạc bất chính như giá mặc cả với Thiên Chúa. Thái độ của Chúa Giê-su hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa mong ước điều gì nơi những kẻ muốn đến với Người. Thiên Chúa là Cha, điều Người mong ước nơi chúng ta là mối tình con thảo. Mà tình yêu thì không có tính toán, mặc cả. Đối với Thiên Chúa, chỉ có một lễ vật đẹp lòng Người, đó là tình yêu.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy cố gắng giữ tâm hồn khỏi mọi thứ tham lam, ích kỷ, để xứng đáng là đền thờ của Chúa Ba Ngôi.

Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Cha muốn quy tụ chúng con trong nhà của Cha để hưởng niềm vui được sống trong sự bao bọc yêu thương của Cha, và trong tình anh em con cùng một Cha, xin Cha giúp mỗi người chúng con hiểu thấu bài học Cha muốn dạy chúng con hôm nay.
Lạy Chúa, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con để con nên đền thờ cho Chúa ngự vào.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

MỘT LỖ NHỎ TRÊN VÁCH TƯỜNG


Tại một trung tâm bài phung nọ, đa số các nạn nhân đều buồn chán vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.

Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu đâu là nguyên nhân của phép lạ này. Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến. Ðó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày, ông chờ đợi nụ cười ấy. Khuôn mặt của người đàn bà chỉ chợt xuất hiện, mỉm cười và biến mất. Người đàn ông duy nhất còn biết cười trong trung tâm bài phung đó đã giải thích cho vị nữ tu như sau:

"Người đàn bà ấy chính là vợ tôi. Trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy tôi. Mỗi ngày, nàng lau sạch một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn... Nhưng cuối cùng, nàng không thể giữ tôi lâu hơn. Người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này.

Nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi. Mỗi ngày, nàng đến nhìn qua lỗ hỏng của vách tường và mỉm cười với tôi. Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống. Nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống...".

Tình yêu mạnh hơn sự chết. Tình yêu đã làm cho người vợ không nhìn người chồng xấu số như một con người đáng xa lánh. Tình yêu của người vợ đã đem lại sức mạnh và niềm vui sống cho người chồng... Nhu cầu căn bản nhất của con người là yêu và được yêu. Bất cứ ai cũng cần đến tình yêu và muốn thể hiện tình yêu...Khóc cũng là cách để thể hiện tình yêu. Có thể nói, khóc là một thứ cảm xúc mà khó có lòng kìm hãm được; vui , người ta cũng khóc, buồn cũng khóc.- Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Chúa đang tỏ tình yêu đối với thành Giêrusalem.


(19.11.2015 – Thứ năm Tuần 33 Thường niên)
Lc 19, 41-44


Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” 


Suy niệm: Thành Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do vua Hê-rô-đê Cả – người đã giết các hài nhi ở Bê-lem – khởi công xây dựng từ năm 20 tr. CN mãi đến năm 64 s. CN. mới hoàn thành, chỉ tồn tại được 6 năm thì bị tướng Ti-tô phá bình địa, chỉ còn lại vài “bức tường than khóc” như hiện nay. Dù thành thánh còn dang dở sau “46 năm” xây dựng (x. Ga 2,20), và dù rất mực căm ghét Hê-rô-đê, người Do thái cũng rất tự hào về ngôi đền thờ nguy nga lộng lẫy này. Thế nhưng, đứng từ trên cao nhìn xuống, Chúa Giê-su đã than khóc nó vì Ngài thấy trước sẽ tới ngày “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” bởi vì thánh đô đã không đón nhận Tin Mừng bình an đến với mình.

Mời Bạn: Với thái độ tự mãn và vụ hình thức người Do Thái đã dừng lại ở đền thờ hoành tráng, lễ nghi trọng thể; vì thế họ đã khước từ Chúa Giê-su lẫn Tin Mừng của Ngài. Cũng thế, nếu mang danh là tín hữu mà dừng lại ở đền thờ và những lễ nghi thì niềm tin đó chỉ là hữu danh vô thực, và tôn giáo chỉ còn là cái xác không hồn. Đón nhận Tin Mừng bình an của Đức Ki-tô không chỉ là “đi lễ, đọc kinh”, mà còn là hoán cải và phục vụ trong cả cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Khi nhận lời chúc bình an trong thánh lễ, bạn hãy nhớ đem bình an đó đến cho người khác bằng những hành vi bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi chúng con tạo nên cảm giác an toàn giả tạo bằng việc chu toàn một số công việc đạo đức bên ngoài cho yên lương tâm. Xin Chúa giúp con thay đổi nếp nghĩ của mình mỗi ngày bằng cách sống đức tin bằng những việc bác ái thiết thực.

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

TÔI ĐÃ GẶP NGƯỜI


André Frossard, một ký giả người Pháp đã cho xuất bản cuộc phỏng vấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II cách đây vài năm, là con của một người theo chủ nghĩa Marxit. Chính ông đã từng là một người cộng sản đầy xác tín...

Ngày nọ, ông phải đưa một người bạn đến một tu viện. Trong lúc chờ đợi người bạn, ông tò mò bước vào một nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Ông không bao giờ nghĩ rằng Chúa đang chờ ông. Trong một phút chốc, ông bỗng nhận ra một ánh sáng thiêng liêng trong tâm hồn. Bừng dậy sau một cơn mê tăm tối, ông bước ra khỏi nhà nguyện chạy tức tốc đến người bạn và hô lớn: "Thiên Chúa hiện hữu. Ðó là một chân lý".

Ông đã ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng ấy trong một quyển sách với tựa đề: "Thiên Chúa hiện hữu. Tôi đã gặp Người". Quyển sách đã được liệt kê vào danh sách của những tác phẩm bán chạy nhất...


Dù cho ta có chối bỏ Thiên Chúa, Người vẫn luôn luôn chờ đợi ta. Tại một góc đường nào đó, trước một ánh nến lung linh nào đó, trong một biến cố đau thương nào đó, Người đang chờ ta. Phải, Thiên Chúa như một người tình chung thủy lúc nào cũng chờ đợi ta... Chỉ có sự thất vọng, chán nản mới có thể hủy bỏ mọi hẹn hò của Thiên Chúa. Bao lâu ta còn tìm kiếm, bao lâu ta còn phấn đấu, bao lâu ta còn hy vọng, thì bấy lâu Thiên Chúa vẫn còn chờ đợi ta... Thiên Chúa luôn chờ đợi để trao vào tay ta những nén bạc trong cuộc đời này.

(18.11.2015 – Thứ tư Tuần 33 Thường niên)
 Lc 19, 11-28


Khi dân chúng đang nghe những điều ấy, thì Đức Giêsu lại kể thêm một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giêrusalem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ: “Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.” Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng: “Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.”
“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén. Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành. Người thứ hai đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén. Ông cũng bảo người ấy: “Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành. Rồi người thứ ba đến trình: “Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Ông nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ! Rồi ông bảo những người đứng đó: “Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén. Họ thưa ông: “Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi!” – "Tôi nói cho các anh hay: phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi. Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.”
Nói những lời ấy xong, Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem.


Chúa ban cho ai tùy theo khả năng của họ, Chúa không ban một cách vô tội vạ hay tùy tiện.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì bao ân huệ Chúa ban. Xin cho con biết dùng nén bạc Chúa trao mà khôn ngoan làm lợi cho Chúa theo khả năng, đừng chôn nó đi.

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

BIẾN ĐỔI



Người ta thường nói: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", Để sửa chữa hay thay đổi một người nào đó là một điều rất khó. Ngược lại nếu không khéo chúng ta lại càng làm cho ra thêm tệ hơn. Trong thực tế, có những người nói hay, nói khéo, khuyên giỏi... nhưng kết qủa không mấy khả quan, mà còn làm cho cho họ càng khép kín, bảo thủ, trở nên oán hận và chai cứng tâm hồn.


Hôm nay, Đức Giêsu với đường lối sư phạm đại tài, Ngài đã từng bước hoán cải một người thu thuế bị xếp chung với hạng trộm cắp, giết người và đĩ điếm. Vậy Đức Giêsu đã làm gì mà lại có sực mạnh biến đổi kỳ lạ như thế?


(17.11.2015 – Thứ ba Tuần 33 Thường niên)
Lời Chúa: Lc 19, 1-10


Sau khi vào Giêrikhô, Ðức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Và kìa, có một người tên là Giakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. Khi Ðức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Ðức Giêsu nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”



Đọc đoạn Tin Mừng của thánh Luca 19, 1-10 trong Chúa Nhật 31 thường niên, năm C, chúng ta hết sức bỡ ngỡ và ngạc nhiên. Bởi vì, Giakêu leo lên một cây sung để có thể nhìn Chúa Giêsu đi ngang qua nơi đó; Chúa Giêsu còn đang ở xa đã ngước mắt nhìn lên Giakêu. Đám đông hiện diện hôm đó đang hết xức xôn xao, xì xào vì những điều đang xẩy ra…Câu chuyện ông Giakêu cho chúng ta hiểu gì ?

Ông Giakêu là một người bị khinh dể ở Giêrichô vì Ông làm nghề thu thuế, và hơn nữa Ông còn làm trưởng của những người thu thuế. Giakêu bị khinh thường vì Ông lợi dụng nghề thu thuế để thu những khoản thuế bất chính, lạm thu. Do đó, Ông Giakêu bị liệt kê vào hạng tội lỗi nặng, bị loại trừ và không được xã hội chấp nhận, bị khinh khi, miệt thị. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại nhìn khác, Ngài nhìn với con tim nhân hậu, với cái nhìn khoan dung, độ lượng. Ngài hiểu cõi lòng thâm sâu của Ông Giakêu. Giakêu chạy trước, leo lên một cây sung, Chúa Giêsu nói với Ông :” Hãy xuống mau “ ( Lc19, 5 ). Ông Giakêu vội vàng leo xuống trong tư thế ngạc nhiên, hơi bối rối, Ông vẫn còn mệt, còn thở vì leo lên cây sung mà. Nhưng Ông đã bất thình lình thưa với Chúa Giêsu :” Thưa Ngài, nầy đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn “ ( Lc 19, 8 ).




Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào những cái bẫy lỗi tội.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Lạy Chúa, "không có một ông thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào lại không có tương lai". Xin Chúa hãy " biến đổi" con, cho con đừng vì quá khứ mà trở nên xấu xa. Nhưng cho con giống Giakêu biết hướng đến tương lai, nhờ ơn Chúa tất cả chúng con trở thành con người mới.